Nhân viên văn phòng và học sinh - sinh viên là những nhóm có tần suất ngồi sai tư thế nhiều nhất. Ngồi sai tư thế lâu ngày có thể khiến cột sống của bạn phải “lên tiếng": nhức mỏi cổ gáy, đau lưng, đau vai... làm giảm chất lượng cuộc sống cũng như hiệu quả học tập, làm việc.
Cột sống là bộ khung của cơ thể, nó luôn cần được giữ ổn định bởi hệ thống gân cơ cạnh sống để thực hiện các hoạt động của cơ thể. Khi ngồi sai tư thế và không tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức mạnh cho các cơ lõi, cột sống của bạn sẽ có xu hướng cuộn ra trước hoặc ưỡn ra sau để thích nghi với sự kém ổn định của hệ thống cơ bắp, dây chằng. Ngồi sai tư thế cũng có thể làm mất cân bằng áp lực lên đĩa đệm và diện khớp, gây ra các bệnh lý thần kinh - cột sống nguy hiểm.
1. Tư thế ngồi vẹo 1 bên (The side slouch)
Bạn thường ngồi sai tư thế khi sử dụng ghế có mặt ghế rộng hoặc tay ghế thấp, hoặc không có đồ đỡ, hoặc ghế lõm, tương tự với một chiếc bàn quá cao hoặc quá thấp. Tư thế ngồi gác bàn chân lên đầu gối bên kia, ngồi đong đưa chân, ngồi gác chân lên ghế cũng kiến cột sống bị mất cân bằng. Vị trí đặt màn hình máy tính thấp hơn hoặc cao hơn tầm mắt cũng góp phần không nhỏ tạo nên tư thế ngồi xấu. Cơ thể sẽ phải cố gắng tìm cách để ổn định bù trừ.
Ngồi sai tư thế theo kiểu này khiến mất cân bằng lực ở 2 bên cơ thể, việc tăng áp lực quá mức lên “bên chùng xuống" có thể gây đau lưng, ảnh hưởng đến cơ hô hấp, co thắt gân cơ.
2. Tư thế ngồi gù lưng đưa cổ ra trước. (The rounded spine)
Khi ngồi học tập hay làm việc trong thời gian dài, bạn thường có xu hướng gù lưng đưa cổ ra trước. Ngồi sai tư thế theo kiểu trên khiến các cơ vai, ngực, cổ của bạn sẽ bị căng cứng, lâu ngày sẽ dẫn đến cong vẹo cột sống, làm giảm tầm vận động, rối loạn chức năng cơ hoành và chức năng hô hấp. Thậm chí tư thế ngồi này có thể gây chèn ép rễ thần kinh, khiến bạn xuất hiện triệu chứng đau tê lan từ cổ xuống vai xuống cánh tay.
Cột sống cổ là bản lề cho đầu di chuyển và nó chịu một lực nén bởi trọng lượng của đầu. Đầu người trung bình nặng khoảng 5 kg, cứ mỗi 3cm đưa đầu ra phía trước khi bạn cúi xuống bàn phím hay điện thoại, bạn đã tạo thêm 15 kg áp lực lên cổ và các cơ vùng cổ. Ngồi sai tư thế theo cách này sẽ gây ra đau mỏi cổ gáy và đau đầu.
3. Tư thế quá thẳng (The arched spine)
Khi cố đứng hoặc ngồi thẳng quá mức cũng là một kiểu ngồi sai tư thế. Tư thế này tạo một lực cắt khá mạnh giữa cột sống và hông, làm tăng áp lực lên các đốt sống lưng thấp gây hẹp lỗ liên hợp, chèn ép vào các rễ thần kinh.
Tình trạng tăng áp lực kéo dài cũng làm mất sự cân đối của các cơ lõi, trong khi các cơ cạnh sống và cơ thắt lưng chậu co cứng thì cơ vùng bụng lại bất hoạt và yếu dần.
4. Tư thế ngồi xếp bằng 2 chân.
Ngồi khoanh chân là tư thế thường gặp ở những nhà tu hành hoặc người tập Yoga. Ngồi khoanh chân và không đổi thứ tự trên dưới của hai chân trong thời gian dài khiến khung chậu 2 bên mất cân bằng, co thắt các cơ vùng lưng. Đồng thời ngồi sai tư thế như vậy sẽ dồn áp lực lên dây thần kinh mác chung phía dưới đầu gối và cản trở lượng máu hồi lưu gây các cơn tê chân.
5. Tư thế ngồi trượt mông thẳng.
Ngả lưng về sau quá nhiều, trượt dài trên ghế như một tư thế “thư giãn" vào cuối ngày làm việc của nhân viên văn phòng cũng là một kiểu ngồi sai tư thế. Việc này sẽ làm gia tăng áp lực lên xương chậu, gập góc đoạn cột sống cổ - ngực, tăng nguy cơ nhức mỏi và cong vẹo cột sống nếu ngồi thường xuyên.
6. Ngồi trượt mông xéo, chống cùi chỏ lên bàn.
Tư thế này dồn áp lực lên một nửa người, đặc biệt là điểm tiếp xúc của mông và cùi chỏ, đồng thời làm cột sống cong vẹo về phía chống tay.
Để giữ tư thế làm việc tốt mọi lúc mọi nơi dường như khó thể. Nhưng luôn nhắc nhở bản thân để kịp thời nhận ra và điều chỉnh khi vô thức ngồi sai tư thế sẽ giúp bạn tránh các bệnh lý cơ-xương-khớp, thần kinh, giữ một cột sống khoẻ mạnh.
Phòng khám Đan Ngọc
Để được thăm khám trực tiếp, Quý bệnh nhân vui lòng gọi HOTLINE: 0345.22.33.19 hoặc đặt lịch hẹn trực tuyến TẠI ĐÂY
Comments