top of page
Ảnh của tác giảDieu Thu Bui

7 cách giảm đau bụng kinh tại nhà

Đã cập nhật: 29 thg 6, 2022

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Bùi Thị Diệu Thu, chuyên ngành Y học cổ truyền.


Khoảng 40 – 70% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị đau bụng kinh cùng với những phiền toái về tâm lý, thể chất kèm theo. Trong đó phần lớn thuộc loại đau bụng kinh nguyên phát, thường xảy ra ở 2 năm đầu sau khi có kinh và không liên quan tới các bệnh lý vùng chậu, đáp ứng điều trị tốt bằng Y học cổ truyền.


Trong một số trường hợp, đau bụng kinh gây ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hằng ngày. Bài viết gợi ý một số cách giảm đau bụng kinh tại nhà hiệu quả, và các dấu hiệu cảnh báo cần sự thăm khám Bác sĩ chuyên khoa.


1. Đau bụng kinh là gì?

Đau bụng kinh hay còn gọi là Thống kinh: là cơn đau ở vùng bụng dưới xuất hiện trong khi hành kinh. Trong một vài trường hợp, cơn đau có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.


2. Vì sao đau bụng kinh?

"Vì sao đau bụng kinh" là câu hỏi rất thường gặp. Theo y học cổ truyền, đau bụng kinh còn gọi là Thống kinh. Thống kinh có thể gây ra bởi các nguyên nhân sau:

  • Tình chí:

Tức giận, thất vọng, oán trách, lo lắng và cảm giác tội lỗi đều có thể làm rối loạn chức năng sơ tiết của tạng Can, dẫn đến khí trệ huyết ứ tại bào cung, gây thống kinh.

  • Ngoại tà.

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng kinh. Các bé gái trong độ tuổi dậy thì, thường xuyên tiếp xúc với yếu tố Hàn tà, Thấp tà, như sống ở vùng lạnh, ẩm thấp, thường xuyên mặc quần đùi, chơi thể thao ngoài trời, sẽ dễ cảm nhiễm hàn thấp, gây thống kinh. Vì vậy, những ngày trong và ngay sau chu kỳ, cần tránh tiếp xúc với Hàn tà và Thấp tà.

  • Lao lực quá độ, bệnh nội thương.

Làm việc quá sức hoặc mắc bệnh mãn tính dẫn đến Khí Huyết hư, không đủ nuôi dưỡng, gây thống kinh.

  • Sinh đẻ, phòng dục quá độ.

Phụ nữ sinh quá nhiều con gần nhau, hoặc quan hệ tình dục từ quá sớm, dẫn đến khí huyết hư, không đủ nuôi dưỡng, cũng gây thống kinh.


3. 7 cách giảm đau bụng kinh tại nhà.

Một số cách giảm đau bụng kinh tại nhà hiệu quả, giúp phụ nữ trải qua kỳ hành kinh nhẹ nhàng.

  • Chườm ấm - tắm nước nóng (khi thống kinh do hàn tà):

Với những cơn đau bụng kinh co thắt, sờ vùng bụng dưới thấy lạnh, chườm ấm vùng bụng dưới giúp phần tử cung co bóp nhịp nhàng, khí huyết lưu thông thuận lợi, từ đó làm giảm đau bụng kinh. Có thể chườm ấm bằng cách sử dụng miếng dán nóng, chai nước nóng hay túi chườm với mức nhiệt khoảng 40°C, tránh bị bỏng.

Ngoài ra, phụ nữ nên tắm nước nóng khi tới kỳ kinh nguyệt như là một liệu pháp điều hòa cơ thể, đồng thời làm giảm đau bụng kinh.

  • Massage:

Thực hiện những động tác massage nhẹ nhàng ở phần bụng dưới theo hướng vòng tròn, thực hiện liên tục cho đến khi cảm thấy giảm đau bụng kinh. Việc massage giúp cho phần cơ bụng được giãn ra, giảm thiểu các cơn co thắt đột ngột – nguyên nhân chính gây đau bụng kinh.

  • Tập thể dục thường xuyên.

Tập thể dục thường xuyên giúp các cơ được thả lỏng, đồng thời giải phóng hormone endorphin tạo cảm xúc tích cực, từ đó làm giảm đau bụng kinh, cải thiện tâm trạng và kích thích đốt cháy prostaglandin.

Vận động nhẹ nhàng vừa cải thiện đau bụng kinh vừa giúp cơ thể khỏe mạnh.

  • Sử dụng gừng tươi.

Gừng tươi chính là vị thuốc sinh khương, nó có vị cay, tính ấm, có tác dụng khu phong tán hàn, ôn thông kinh lạc. Giã nát gừng hoặc cắt thành từng lát mỏng rồi đắp lên vùng bụng dưới trong khoảng 5 -7 phút hoặc pha 2-3 lát gừng tươi với mật ong và nước ấm dùng làm trà uống cũng có hiệu quả tốt.

  • Nghỉ ngơi hợp lý.

Tránh làm việc nặng hay quá sức, không nên sinh hoạt tình dục trong những ngày này cũng giúp bạn giảm đau bụng kinh.

Ngủ đủ giấc, nằm ngủ theo tư thế bào thai giúp các cơ quanh bụng được giãn ra, từ đó làm giảm đau bụng kinh.

  • Dùng thuốc giảm đau.

Một vài loại thuốc giảm đau NSAID, thuốc chống co thắt và thuốc tránh thai cũng là một trong những cách giảm đau bụng kinh trong hầu hết các trường hợp đau bụng kinh nguyên phát. Tuy nhiên việc dùng thuốc cần tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

  • Xoa bóp bấm huyệt.

Day ấn các huyệt đặc hiệu giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả như: Tam âm giao, huyết hải, thái xung, hợp cốc.


4. Khi nào bạn cần thăm khám chuyên khoa?

Khi đã tự áp dụng các cách giảm đau bụng kinh tại nhà nhưng vẫn không cải thiện và đau bụng kinh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, ban nên thăm khám với bác sĩ Sản phụ khoa để tìm và điều trị tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh.

  • Đau bụng kinh xảy ra trong một hoặc hai kỳ kinh nguyệt lần đầu (gợi ý bất thường về cấu trúc giải phẫu).

  • Đau bụng kinh xuất hiện muộn với tiền sử không đau ở các chu kỳ trước đó (xem xét các biến chứng của thai nghén: chửa ngoài tử cung hoặc dọa sẩy thai tự nhiên).

  • Bất thường vùng chậu khi khám sức khỏe; vô sinh (xem xét lạc nội mạc tử cung, bệnh viêm vùng chậu hoặc các nguyên nhân khác gây sẹo); kinh nguyệt ra nhiều hoặc chu kỳ không đều (xem xét u tuyến, u xơ, polyp); đau khi quan hệ.

  • Ít hoặc không đáp ứng với điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid, thuốc tránh thai hoặc cả hai.

  • Đau bụng kinh không liên quan đến bất kỳ bệnh lý vùng chậu nào, nhưng vẫn không giảm đau bằng các cách giảm đau bụng kinh tại nhà, và gây ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống hằng ngày, lúc này cần thăm khám với Bác sĩ y học cổ truyền. Điều trị cá thể hóa bằng y học cổ truyền không những giúp giảm đau bụng kinh mà còn cải thiện các triệu chứng liên quan trong kỳ kinh nguyệt.

Để được thăm khám trực tiếp, Quý bệnh nhân vui lòng gọi HOTLINE: 0345.22.33.19 hoặc đặt lịch hẹn trực tuyến TẠI ĐÂY


Tài liệu tham khảo:

  1. Andrew S. Coco, M.D (1999). Primary Dysmenorrhea. < https://www.aafp.org/afp/1999/0801/p489.html >

  2. Dysmenorrhea: Painful Periods < https://www.acog.org/womens-health/faqs/dysmenorrhea-painful-periods >



22 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page